Phẫu thuật là phương pháp thường được sử dụng để điều trị chứng hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh. Vậy quy trình phẫu thuật chứng bệnh này được tiến hành như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn vấn đề này thông qua bài viết ngay sau đây nhé!
Môn vị là một bộ phận nằm ở cuối của dạ dày, thức ăn từ dạ dày muốn xuống ruột non cần phải đi qua lỗ môn vị. Đối với trẻ sơ sinh, hẹp môn vị là tình trạng khá phổ biến và thường xảy ra trong khoảng từ 3 – 5 tuần sau khi sinh, ít khi xuất hiện ở những trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên.
Khi bị hẹp môn vị, trẻ thường có các triệu chứng như nôn ói liên tục, trẻ mệt mỏi, hay quấy khóc, có dấu hiệu mất nước, thay đổi nhu động ruột, luôn trong tình trạng đói… Nếu tình trạng này không được phát hiện và điều trị sớm, có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng của bé. Do đó, khi thấy bé xuất hiện những dấu hiệu bất thường, các bậc phụ huynh cần phải báo ngay cho các bác sĩ để có sự can thiệp khẩn cấp.
Quy trình phẫu thuật hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh
Một trong những phương pháp được áp dụng để điều trị chứng hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh là phẫu thuật. Tuy nhiên trước khi thực hiện, các bác sĩ cần tiến hành bước kiểm tra và chẩn đoán để chắc chắn rằng bé bị hẹp môn vị thật hay không. Các bước thực hiện như sau:
1. Kiểm tra và chẩn đoán bệnh
Các triệu chứng trẻ bị hẹp môn vị thường giống với các bệnh lý tiêu hóa khác như trào ngược dạ dày, đau dạ dày… do đó trước khi thực hiện phẫu thuật, trẻ cần được kiểm tra và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh thêm một lần nữa. Có nhiều phương pháp được áp dụng để chẩn đoán chứng bệnh này, cụ thể như:
+ Chẩn đoán bệnh bằng khám nghiệm vật lý: Các bác sĩ sẽ sử dụng các công cụ hỗ trợ để kiểm tra vùng bụng của bé, chẩn đoán dựa trên việc có cảm nhận được sự mở rộng của cơ môn vị hay không.
+ Xét nghiệm máu: Đây là phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh hẹp môn vị ở trẻ. Việc nôn mửa liên tục sẽ khiến cho bé bị mất nước và mất cân bằng các chất điện giải như magie, kali, natri, canxi, do đó xét nghiệm máu cũng là cách có thể chẩn đoán được bé có bị hẹp môn vị hay không.
+ Siêu âm: Đây là phương pháp dùng các sóng âm thanh với sự hỗ trợ của các máy móc tạo nên các hình ảnh về dạ dày của bé. Từ việc quan sát hình ảnh, bác sĩ sẽ chẩn đoán được tình trạng bệnh mà bé đang gặp phải.
+ Dùng phương pháp chụp X – quang cản quang: Trẻ nhỏ sẽ được cho nuốt một lượng nhỏ chất lỏng vào dạ dày. Khi chiếu các tia X qua vùng bụng của bé, loại chất này có tác dụng làm cho hình ảnh dạ dày của bé được chụp lại sắc nét, từ đó mà các bác sĩ có thể khẳng định bé có bị hẹp môn vị hay không.
+ Nội soi: Là một trong những kỹ thuật y học tiên tiến, mang lại kết quả chẩn đoán bệnh có độ chính xác rất cao, nội soi dạ dày ngày càng được sử dụng phổ biến để chẩn đoán các bệnh lý về đường tiêu hóa. Tuy nhiên, với những trẻ sơ sinh, khi các cơ quan chưa được phát triển toàn diện thì phương pháp này hầu như không được sử dụng đến, tránh gây ra những biến chứng không thể lường trước được.
2. Phẫu thuật hẹp môn vị ở trẻ
Chứng hẹp môn vị ở trẻ sơ sinh thường chỉ định điều trị bằng phẫu thuật. Với những trẻ bị mất nước hoặc bị mất cân bằng điện giải thì phương pháp phẫu thuật sẽ được tiến hành càng sớm càng tốt. Ca phẫu thuật sẽ được tiến hành theo các bước sau đây:
Trước khi phẫu thuật, bé sẽ được tiêm tĩnh mạch hoặc truyền dịch trong khoảng 1 ngày để bù lại lượng nước và các chất điện giải mà bé đã bị mất. Sau đó phẫu thuật mở cơ môn vị sẽ được thực hiện. Theo phương pháp truyền thống, các bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường nhỏ ở bụng hoặc xung quanh rốn của trẻ, tiếp đến sẽ tiến hành cắt lớp ngoài của cơ môn vị trên, giữ nguyên lớp lót bên trong của cơ môn vị.
Ngoài phương pháp truyền thống, hiện nay phẫu thuật bằng kỹ thuật nội soi đang được sử dụng rộng rãi vì chúng mang nhiều ưu điểm. Các bác sĩ sẽ chỉ cần rạch một đường nhỏ trên vùng bụng của bé, từ đường rạch này sẽ đưa ống nội soi có gắn laser và các dụng cụ phẫu thuật chuyên biệt vào để tiến hành mở rộng cơ môn vị, giải quyết tình trạng tắc nghẽn dạ dày. Thực hiện phẫu thuật bằng nội soi sẽ để lại vết sẹo nhỏ hơn, các thủ tục nội soi cũng nhanh hơn phương pháp truyền thống.
Đa số các trường hợp phẫu thuật hẹp môn vị ở trẻ thường được xuất viện trong khoảng 48 giờ sau đó. Tuy nhiên, dù là phẫu thuật bằng phương pháp truyền thống hay sử dụng nội soi thì cũng tiềm ẩn nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng. Trường hợp cơ môn vị không được cắt hoàn toàn thì chứng bệnh có thể tái phát, do đó khi đã được phẫu thuật thì các bậc phụ huynh cũng cần chú ý tới tình trạng sức khỏe của con mình, nên đưa bé đi tái khám theo sự chỉ định của bác sĩ.
Lời kết:
Trên đây là quy trình phẫu thuật hẹp môn vị cho trẻ sơ sinh chúng tôi đã thông tin cho các bạn. Hi vọng sau bài viết này, các bậc phụ huynh đã có thêm được những kiến thức bổ ích để chăm sóc bé yêu của gia đình được tốt hơn. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi bài viết!
Có thể bạn muốn xem
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!