Dù khá hiếm hặp nhưng hẹp môn vị dạ dày là một trong những vấn đề về đường tiêu hóa mà bạn cần quan tâm. Hẹp môn vị dạ dày khiến người bệnh sụt cân, mệt mỏi và thường xuyên nôn thức ăn sau khi dùng bữa.
Các triệu chứng của bệnh có thể bị nhẫm lẫn với những vấn đề tiêu hóa khác. Vì thế mỗi người cần nắm bắt các thông tin về hẹp môn vị dạ dày để xác định đúng vấn đề mà mình gặp phải.
Nguyên nhân và triệu chứng hẹp môn vị dạ dày
Hẹp môn vị dạ dày là tình trạng thức ăn không thể xuống ruột, bị ứ đọng tại dạ dày. Một số trường hợp thức ăn có xuống được ruột nhưng rất hạn chế. Tình trạng này có thể xuất hiện ở dạng cấp tính hoặc kéo dài và chuyển sang giai đoạn mãn tính.
1. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh hẹp môn vị dạ dày có thể xuất hiện do hệ quả của những bệnh lý trong cơ thể hoặc do ngộ độc thức ăn.
- Loét dạ dày – tá tràng: đây là nguyên nhân phổ nhất gây bệnh hẹp môn vị dạ dày, tá tràng và dạ dày bị xơ hóa dẫn đến hiện tượng hẹp môn vị, cản trở thức ăn xuống ruột non.
- Ung thư hang vị và ung thư môn vị: gây ra các vết loét và khối u chèn ép môn vị, khi khối u phát triển lớn hơn tình trạng hẹp môn vi càng chuyển biến trầm trọng. Lúc này, bệnh xuất hiện ở dạng mãn tính hay còn gọi là hẹp môn vị dạ dày ác tính.
- Bẩm sinh: một số trường hợp có môn vị bị hẹp bẩm sinh khiến bệnh phát sinh khi có điều kiện.
- Ngộ độc: ngộ độc rượu bia hoặc thức ăn không đảm bảo vệ sinh có khả năng gây ra bệnh hẹp môn vị dạ dày.
Ngoài những nguyên nhân trên, hẹp môn vị dạ dày có thể do polyp môn vị, u đầu tụy, ung thư đầu tụy và các nguyên nhân ngoài dạ dày,… Nếu trẻ dùng thuốc kháng sinh sớm trong vòng một tuần đầu chào đời hoặc mẹ dùng kháng sinh trong những tháng cuối thai kỳ, bé sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh lý này.
2. Triệu chứng hẹp môn vị dạ dày
Các triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào độ tuổi và giai đoạn bệnh, vì vậy triệu chứng không đồng nhất ở hầu hết các trường hợp.
#Giai đoạn sớm:
Ở giai đoạn này, tình trạng hẹp môn vị chưa quá nặng, thức ăn vẫn có thể xuống ruột non nhưng bị hạn chế. Người bệnh sẽ gặp những triệu chứng phổ biến như sau:
- Ăn nhanh no, luôn trong tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
- Nặng bụng sau khi ăn, có xu hướng nôn thức ăn ngay sau bữa không lâu.
- Đau bụng, nhất là vùng trên rốn, nôn thức ăn hoặc nằm nghỉ thì cơn đau thuyên giảm.
- Có tiếng động trong bụng khi vận động hoặc thay đổi tư thế.
#Giai đoạn muộn:
Ở giai đoạn muộn, những triệu chứng của bệnh hẹp môn vị dạ dày có xu hướng trầm trọng và đặc trưng hơn. Hiện tượng tắc nghẽn ở môn vị sẽ diễn ra hoàn toàn gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ tiêu hóa, người bệnh gặp phải những triệu chứng đặc trưng như:
- Đau bụng liên tục và dữ dội, phải móc họng để ói mới cảm thấy dễ chịu.
- Nôn cả thức ăn của ngày hôm trước.
- Dịch vị có mùi nồng nặc rất khó ngửi.
- Thể trạng mệt mỏi, suy nhược, sút cân nhanh chóng, da dẻ xanh xao.
- So với người trưởng thành, trẻ nhỏ thường gặp phải các triệu chứng với tần suất dày đặc hơn như liên tục ói, ợ, trào ngược thức ăn,…
- Các dấu hiệu ít gặp hơn như người bệnh cáu kỉnh do cơ thể mệt mỏi, tiểu tiện và đại tiện ít hơn.
Khi phát hiện cơ thể xuất hiện các dấu hiệu của bệnh hẹp môn vị dạ dày, mọi người nên sớm thăm khám để dễ dàng hơn trong việc điều trị. Bởi càng để lâu bệnh sẽ càng khó chữa và gây nên những biến chứng nguy hiểm.
Hẹp môn vị dạ dày và cách điều trị phổ biến
Tùy vào triệu chứng, mức độ hẹp ở môn vị và thể trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa hay phẫu thuật.
1. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa được chỉ định cho bệnh nhân hẹp môn vị dạ dày do viêm loét dạ dày – tá tràng. Bệnh nhân sẽ được bù dịch và các thành phần điện giải để cân bằng lại các thành phần trong cơ thể.
Hoặc bệnh nhân được sử dụng thuốc điều trị loét dạ dày – tá tràng nếu tình trạng loét ở giai đoạn đầu. Nếu thực hiện điều trị nội khoa không đem lại hiệu quả, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật hẹp môn vị dạ dày cho bệnh nhân.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật chỉ được thực hiện khi cơ thể người bệnh đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe. Vì vậy, trước khi phẫu thuật bệnh nhân sẽ được dùng thuốc và bù dịch để cải thiện sức khỏe và nâng cao hệ miễn dịch. Với những trường hợp suy nhược nặng nề, bác sĩ sẽ chỉ định truyền đạm, máu hoặc huyết thanh ngọt để bổ sung năng lượng và nâng cao thể trạng.
- Phẫu thuật hẹp môn vị dạ dày do ung thư dạ dày: bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ một phần dạ dày hoặc toàn bộ dạ dày tùy vào mức độ phát triển của khối u. Trong trường hợp bệnh nhân quá yếu, bác sĩ sẽ nối vị tràng để hệ tiêu hóa đảm bảo những chức năng vốn có.
- Phẫu thuật hẹp môn vị dạ dày do viêm loét dạ dày – tá tràng mãn tính: cắt bỏ phần dạ dày tổn thương hoặc thực hiện nối vị tràng nếu bệnh nhân có sức khỏe không tốt.
Phần lớn bệnh nhân đều phục hồi tốt sau khi phẫu thuật, tuy nhiên cần thực hiện đúng phác đồ và lời dặn của bác sĩ để vết thương nhanh khỏi.
3. Lời khuyên cho người bị hẹp môn vị dạ dày
Để hạn chế những vấn đề về tiêu hóa và bệnh hẹp môn vị dạ dày tái phát, người bệnh cần thay đổi những thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng thiếu lành mạnh.
Một số lời khuyên từ chuyên gia mà người bệnh cần nhớ rõ:
- Hạn chế những đồ ăn chua hoặc đồ lên men.
- Kiêng cử hoàn toàn rượu bia, thuốc lá, nước trà hoặc những loại đồ uống có cồn, chất kích thích.
- Không nên ăn quá cay hay quá mặn, thường xuyên uống nước và bổ sung rau xanh.
- Ăn đúng giờ và không nên làm việc hay vận động ngay sau khi ăn.
- Điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt khoa học, cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi.Giải phóng những căng thẳng và suy nghĩ tiêu cực để không gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Sau khi điều trị bệnh hẹp môn vị dạ dày, người bệnh cần duy trì những lưu ý nên trên để hạn chế tình trạng tái phát hay những bệnh tiêu hóa khác phát sinh. Đồng thời cần thăm khám định kỳ để phát hiện kịp thời những vấn đề bất thường trong cơ thể và tiến hành khắc phục.
Hải Yến
Thông tin hữu ích cho bạn:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!