Viêm loét đại trực tràng chảy máu là một bệnh lí không thể xem thường khi mà bệnh đang xuất hiện rất nhiều ở những người trẻ tuổi. Nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời, căn bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khó lường.
Để có thể chủ động hơn trong việc phát hiện và điều trị, mọi người cần trau dồi thêm cho mình những kiến thức về bệnh. Những thông tin mới nhất về bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu sẽ được chúng tôi cập nhật ngay trong bài viết này.
Viêm loét đại trực tràng chảy máu và những điều cần biết
Viêm loét đại trực tràng chảy máu chính là một dạng bệnh viêm nhiễm mãn tính, mang tính tự miễn, gây ra tình trạng loét và chảy máu đại trực tràng. Những tổn thương sẽ lan tỏa rất nhanh ở lớp niêm mạc cũng như lớp dưới niêm mạc, hiện tượng viêm loét xảy ra mạnh nhất ở trực tràng và từ từ giảm dần về phía đại tràng phải.
Mọi người cần tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh cũng như các dấu hiệu nhận biết và biến chứng của bệnh để hỗ trợ tốt hơn cho quá trình điều trị.
1. Nguyên nhân gây viêm loét đại trực tràng chảy máu
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tích cực tìm kiếm để xác định rõ ràng nguyên nhân gây bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu. Tuy nhiên, một số những yếu tố sau đây đang được cho là có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Yếu tố di truyền: Các thống kê gần đây cho thấy rằng có khoảng 20% những bệnh nhân bị viêm đại trực tràng chảy máu có người thân trong gia đình gặp tình trạng viêm ruột tự phát. Một nghiên cứu ở Nhật cũng chỉ ra, nhóm người có gen HLA – DR2 sẽ có khả năng bị bệnh cao hơn nhóm người có gen DR4.
- Do nhiễm khuẩn: Một số loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột như E.Coli, Salmonella, Campylobacter, Shigella… cũng được cho là có liên quan đến quá trình khởi phát của bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu.
- Thói quen sinh hoạt: Bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở những người thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai, thuốc lá hay có chế độ dinh dưỡng thiếu lành mạnh.
- Yếu tố tâm lí: Việc thường xuyên phải chịu đựng những áp lực, căng thẳng trong công việc cũng như trong cuộc sống cũng đã tạo một phần cơ hội cho bệnh khởi phát và diễn biến phức tạp hơn.
2. Các dấu hiệu nhận biết
Khi bị viêm loét đại trực tràng chảy máu, người bệnh thường gặp phải những triệu chứng cơ bản như đau bụng, tiêu chảy, phân có máu… có thể kèm theo sốt hay sút cân. Bệnh phát triển qua nhiều giai đoạn mà mỗi giai đoạn lại có những biểu hiện khác nhau theo mức độ tăng dần.
- Khi bệnh mới khởi phát: Bệnh chỉ mới bắt đầu xuất hiện ở trực tràng hoặc đại tràng sigma với biểu hiện là chỉ có đại tiện kèm theo máu không quá 4 ngày. Lúc này, chưa có thêm những triệu chứng gì nghiêm trọng thêm nhưng có thể nặng lên nếu không sớm phát hiện.
- Giai đoạn nặng: Tình trạng đau bụng diễn ra rất dữ dội, hiện tượng đại tiện ra máu xuất hiện nhiều hơn nhưng không quá 6 lần/ngày. Người bệnh có thể gặp phải tình trạng sốt hay giảm protein máu kèm theo khiến cơ thể thường xuyên mệt mỏi.
- Giai đoạn nghiêm trọng: Lúc này, bệnh sẽ xuất hiện nhiều dấu hiệu nặng nề hơn, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, công việc và chất lượng cuộc sống. Người bệnh đi đại tiện có máu kèm theo vượt quá 6 lần/ngày, hậu môn bị đau rát, buốt… Tình trạng sốt cao liên tục diễn ra, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, cơ thể trở nên suy sụp hẳn.
3. Những biến chứng của viêm loét đại trực tràng chảy máu
Viêm loét đại trực tràng chảy máu là một trong những bệnh lí được giới chuyên môn nhận định là có mức độ nguy hiểm tương đối cao. Nếu người bệnh không sớm phát hiện và điều trị thì có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm khiến cho sức khỏe bị đe dọa nghiêm trọng.
Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu cần phải kể đến như rò và áp xe hậu môn, nứt hậu môn. Nếu bệnh diễn biến phức tạo có thể gây ra tình trạng chảy máu rất nhiều, dẫn tới phình đại tràng nhiễm độc, hẹp đại tràng, lâu dần sẽ dẫn đến ung thư đại trực tràng đe dọa trực tiếp tới tính mạng. Ngoài ra, người bệnh còn gặp phải một số biến chứng khác như viêm da mủ hoại thư, viêm khớp, viêm xơ đường mật, viêm quanh mật quản…
Tìm hiểu thêm: Biến chứng nguy hiểm của viêm loét dạ dày
Cách điều trị bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu
Để tránh được những biến chứng mà viêm loét đại trực tràng chảy máu gây ra thì việc điều trị bệnh kịp thời là hết sức cần thiết. Thường thì, để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng và thực hiện một số xét nghiêm cơ bản như nội soi, xét nghiệm phân, máu, sinh hóa… Tùy theo mức độ của bệnh mà các bác sĩ chuyên khoa có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất với người bệnh.
1. Đối với trường hợp bệnh còn nhẹ
Khi bệnh còn ở giai đoạn đầu, chưa có những triệu chứng quá nặng nề thì việc điều trị cũng sẽ trở nên đơn giản hơn. Người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc cùng với việc thực hiện chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt khoa học để nhanh chóng đẩy lùi các triệu chứng viêm loét trực tràng.
- Sử dụng thuốc Tây: Một số loại thuốc thường được sử dụng khá phổ biến trong việc điều trị bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu đó là 5-aminosalic acid, Corticoid, Azathioprin, Cyclosporin, Sulfasalazin và các dẫn chất của nó… Về liều lượng sử dụng thì còn phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh ở từng đối tượng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp nhất.
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt: Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh. Bệnh nhân cần tránh sử dụng sữa hay hạn chế thực phẩm giàu chất xơ trong trường hợp bị thiếu men lactase. Tuyệt đối tránh các chế phẩm của thuốc phiện, thuốc chống cholin, thuốc tiêu chảy để đại tràng không bị phình to. Cần giữ tinh thần thoải mái, tránh làm việc quá sức, có thời gian nghỉ ngơi hợp lí.
- Thăm khám định kỳ: Các bác sĩ chuyên khoa khuyên rằng, muốn có được quá trình chữa bệnh tốt nhất, người bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu nên thường xuyên thăm khám, ít nhất là 6 tháng 1 lần để kiểm soát bệnh.
2. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng
Có nhiều trường hợp bệnh đã diễn biến phức tạp, người bệnh đứng trước nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng đại tràng, chảy máu ồ ạt, phình đại tràng nhiễm độc, ung thư hóa hay dị sản ở mức độ nặng nề. Lúc này, những phương pháp điều trị nội khoa không thể nào ức chế được sự phát triển của bệnh nữa, các bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc tới việc thực hiện phẫu thuật để chữa trị dứt điểm cho người bệnh.
Mặc dù tỷ lệ thành công của các cuộc phẫu thuật cắt bỏ đại tràng là khá cao nhưng nó cũng tồn tại không ít rủi ro và chi phí cho cuộc phẫu thuật này không hề nhỏ, không phải người bệnh nào cũng có đủ điều kiện tài chính để thực hiện. Chính vì thế mà mọi người cần luôn chú ý chăm sóc tốt cho sức khỏe, sớm phát hiện bệnh để việc điều trị được dễ dàng hơn.
Nắm bắt được những thông tin cần thiết về bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu được đề cập trên đây chính là yếu tố cần thiết giúp mọi người có được quá trình phòng cũng như chữa bệnh tốt hơn. Hãy luôn hết sức cẩn trọng, khi cơ thể xuất hiện những biểu hiện lạ cần nhanh chóng thăm khám để điều trị sớm.
Hải Ngọc
Có thể bạn chưa biết:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!