Hẹp môn vị là gì? Vì sao lại bị bệnh hẹp môn vị? Triệu chứng của bệnh ra sao? Cách điều trị bệnh như thế nào? Nếu như các bạn vẫn còn chưa trả lời được những câu hỏi này, hãy cùng theo dõi bài viết sau đây.
1. Tìm hiểu về bệnh hẹp môn vị
Môn vị là vị trí tiếp nối giữa dạ dày và ruột non, đây là một van chứa thực phẩm của dạ dày để chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa. Hẹp môn vị hay còn gọi là tắc nghẽn môn vị là tình trạng cái van này bị dày lên khiến thức ăn bị tắc nghẽn ở dạ dày không thể xuống được ruột non hoặc lượng thức ăn xuống được rất ít.
♦ Những ai có thể mắc bệnh hẹp môn vị?
Mặc dù bệnh này không xuất hiện phổ biến nhưng ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể mắc phải. Đặc biệt trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ mắc bệnh hẹp môn vị rất cao.
Ngoài ra những người trưởng thành có chế độ ăn uống sinh hoạt không hợp lý hoặc những người có tiền sử bệnh về đường tiêu hóa cũng thể bị hẹp môn vị.
♦ Nguyên nhân gây bệnh hẹp môn vị
Đến nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác cho căn bệnh này. Tuy nhiên, bệnh hẹp môn vị có thể do các yếu tố sau:
+ Do di truyền:
Con cái của những người có tiền sử mắc bệnh hẹp môn vị thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
+ Do bị viêm loét – tá tràng:
Người bị bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng có khả năng bị hẹp vị môn vị. Những vị trí loét dễ gây bệnh nhất là bờ cong bé gần môn vị, môn vị. Sự phối hợp giữa viêm nhiễm ở ổ loét làm cho lòng tá tràng bị hẹp cũng là nguyên nhân gây hẹp môn vị.
+ Bị ung thư hang vị:
Ung thư hang vị dẫn đến tình trạng xuất hiện cá khối u, bị viêm loét làm cho thành dạ dày bị cộm lên làm cho môn vị bị hẹp lại. Môn vị sẽ bị hẹp lại từ từ cùng với sự to lên của khối u. Mà ung thư hang vị là bệnh xuất hiện không phải là ít, nó chiếm tới 60% những bệnh ung thư liên quan đến dạ dày.
+ Sử dụng kháng sinh quá nhiều:
Những người hay lạm dung thuốc kháng sinh cũng có nguy cơ cao bị bệnh hẹp môn vị.
+ Do giới tính:
Ở trẻ sơ sinh, trẻ có giới tính nam thường có nguy cơ mắc bệnh hẹp môn vị cao hơn trẻ có giới tính nữ.
Ngoài ra những nguyên nhân như hẹp phì đại môn vị ở người lớn, loét do lao, polyp ở gần môn vị, sa tụt niêm mạc dạ dày qua lỗ môn vị cũng chính là những nguyên nhân gây ra hẹp môn vị.
♦ Các triệu chứng khi bị hẹp môn vị
Khi bị hẹp môn vị, trẻ sơ sinh sẽ có những triệu chứng bệnh khác so với người trưởng thành bởi thể trạng từng độ tuổi có sự khác biệt nhất định. Cụ thể:
+ Với trẻ nhỏ:
Trẻ nhỏ mà đặc biệt là trẻ sơ sinh khi bị hẹp môn vị sẽ bị nôn nhiều, thường là nôn sau khi bú hoặc sau khi ăn. Thức ăn sau khi ăn không thể di chuyển từ dạ dày xuống ruột non được, bị ứ đọng lại ở dạ dày gây trào ngược.
Tuy nhiên, nhiều bà mẹ sẽ dễ bị nhầm lẫn giữa nôn trớ sinh lý ở trẻ và nôn do hẹp môn vị. Dấu hiệu để phân biệt là sau khi bị nôn trớ sinh lý, trẻ vẫn sẽ chơi bình thường, không quấy khóc. Ngược lại, sau khi nôn do hẹp môn vị trẻ thường khó chịu, quấy khóc, uốn éo do đó các bà mẹ nên chú ý quan sát kỹ.
Ngoài ra, khi bị hẹp môn vị, trẻ nhỏ còn có các triệu chứng khác như:
- Nhu động ruột bị thay đổi: Hẹp môn vị khiến cho thức ăn không thể đi xuôi xuống ruột non gây nên tình trạng táo bón ở trẻ.
- Bị co thắt dạ dày: Do sau khi ăn dạ dày sẽ co bóp để đẩy thức ăn xuống ruột non. Khi môn vị bị hẹp, thức ăn không thể đi qua gây nên tình trạng co thắt dạ dày.
- Trẻ bị mất nước: Khi hẹp môn vị, trẻ thường xuyên bị nôn ói dẫn đến tình trạng mất nước, mắt trũng sâu, tiểu ít hơn bình thường.
- Trẻ mệt mỏi và bị sụt cân: Bệnh làm cho trẻ không thể tăng cân được, thay vào đó là liên tục bị sút cân, mệt mỏi.
+ Với người trưởng thành:
Đối với những người trưởng thành bị hẹp môn vị sẽ có những triệu chứng như:
- Bụng đau âm ỷ kéo dài.
- Người bệnh sẽ cảm thấy buồn nôn nhẹ.
- Xuất hiện tình trạng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu.
- Dễ nổi cáu, nóng tính bất thường.
- Tình trạng đại tiện và tiểu tiện ít đi.
- Bị nôn sau khi ăn, có hiện tượng thức ăn bị trào ngược.
Những triệu chứng này khiến cho người bệnh khó chịu, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Hơn nữa việc thức ăn không được đưa xuống ruột non để tiêu hóa, lâu ngày dẫn đến táo bón gây nguy cơ mắc bệnh trĩ và bệnh trĩ. Do đó, nếu thấy dấu hiệu bất thường cần đến các trung tâm y tế để khám và được điều trị ngay.
2. Cách điều trị bệnh hẹp môn vị
Như đã nói, bệnh hẹp môn vị gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Nếu để tình trạng này kéo dài, có thể sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi bị bệnh thì việc phải đi điều trị là không thể tránh khỏi.
Tùy vào từng trường hợp bệnh nặng hay nhẹ, nguyên nhân gây bệnh là gì mà các bác sĩ chỉ định dùng phương pháp điều trị nào cho bệnh nhân. Phương pháp thường được chỉ định để điều trị hẹp môn vị là phẫu thuật. Tuy nhiên trước khi phẫu thuật cũng cần điều trị nội khoa trước.
Để điều trị được bệnh hẹp môn vị, các bác sĩ sẽ thực hiện các bước sau:
♦ Điều trị nội khoa
Ở bước này, các bác sĩ chủ yếu bù dịch – điện giải, tăng cường đề kháng cho người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định dùng thêm thuốc điều trị viêm loét nếu hẹp do viêm loét ở giai đoạn sớm, hoặc phải dùng thêm thuốc kháng tiết.
♦ Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật điều trị hẹp môn vị tùy vào từng trường hợp bệnh mà các bác sĩ sẽ quyết định dùng phương pháp nào để điều trị cho bệnh nhân.
Có hai phương pháp được áp dụng là phẫu thuật mở cơ môn vị hoặc đặt bong bóng nội soi làm nở môn vị.
+ Phẫu thuật mở cơ môn vị:
Với phương pháp này, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật và cắt phần bị phù và dày ra khỏi cơ thể, khoảng 6 – 8 tiếng sau là có thể ăn uống lại được bình thường.
+ Làm nở môn vị bằng cách đặt bong bóng nội soi:
Trường hợp không muốn phẫu thuật để mở cơ môn vị, bạn có thể được chỉ định đặt bong bóng nội soi để làm nở môn vị. Với phương pháp này, các bác sĩ sẽ dẫn một ống nội soi đầu có gắn bong bóng vào dạ dày thông qua đường miệng. Sau khi được đưa vào đúng vị trí, quả bóng ấy sẽ được bơm căng để giúp cơ môn vị nở ra.
Trong hai phương pháp trên thì phương pháp phẫu thuật mở cơ môn vị được sử dụng phổ biến hơn bởi nó mang lại kết quả nhanh chóng và ngăn được tình trạng bệnh tái phát.
Bên cạnh đó, nếu như bị hẹp môn vị do mắc các bệnh nguy hiểm liên quan đến dạ dày thì khi phẫu thuật, các bác sĩ sẽ áp dụng hai phương pháp là nối vị tràng và cắt dạ dày.
+ Trường hợp hẹp môn vị do bệnh ung thư dạ dày:
Với trường hợp này, bác sĩ sẽ quyết định cắt toàn bộ hoặc cắt bán phần dạ dày tùy vào kích thước khối u và thể trạng của bệnh nhân. Trong trường hợp bệnh nhân có thể trạng quá yếu hoặc khối u làm tổn thương lan rộng có di căn thì bác sĩ sẽ nối vị tràng tạm thời.
+ Hẹp môn vị do loét dạ dày – tá tràng mãn tính:
Nếu như hẹp môn vị do bị loét dạ dày – tá tràng thì các bác sĩ sẽ làm phẫu thuật cắt 2/3 dạ dày. Trong trường hợp người bệnh bị các bệnh mãn tính như hen, suy tim… và có thể trạng yếu sẽ được chỉ định nối vị tràng tạm thời.
♦ Một số lưu ý trước và sau khi điều trị hẹp môn vị bằng phẫu thuật
Trước khi phẫu thuật, cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Các bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên biệt để rửa sạch dạ dày và hút hết dịch trong dạ dày.
- Cần phải truyền huyết thanh ngọt để bổ sung năng lượng cho người bệnh.
- Truyền dịch theo điện giải đồ để bù lại lượng dịch đã mất cho cơ thể.
- Bổ sung thêm đạm và truyền máu nếu cần.
Sau khi thực hiện phẫu thuật, bạn cần lưu ý một vài vấn đề như sau:
- Đặt túi chườm ấm lên vết mổ nếu cảm thấy khó chịu.
- Nếu thấy vết mổ có dấu hiệu sưng, đỏ, chảy máu, hoặc vẫn còn thấy dấu hiệu nôn mửa, mệt mỏi hoặc không đi cầu trong một vài ngày liên tiếp cần báo ngay với bác sĩ.
- Phải đi tái khám đúng hẹn theo lịch của bác sĩ.
Phẫu thuật là biện pháp điều trị mang lại hiệu quả chữa bệnh nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, để bệnh nhanh khỏi bạn nên điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt của mình cho hợp lý.
3. Cách phòng bệnh hẹp môn vị dạ dày
Bệnh hẹp môn vị dạ dày làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Dựa trên những nguyên nhân gây bệnh mà chúng ta đã đề cập đến ở trên, để tránh bị mắc bệnh hẹp môn vị dạ dày các bạn cần lưu ý một vài điều như sau:
+ Cần giữ cho tinh thần được thoải mái, tránh căng thẳng mệt mỏi để không làm ảnh hưởng xấu đến dạ dày.
+ Cần đi khám định kỳ thường xuyên để phát hiện và điều trị kịp thời các căn nguyên gây bệnh hẹp môn vị như ung thư dạ dày, polyp dạ dày, u đầu tụy, ung thư đầu tụy…
+ Những người có vấn đề về đường tiêu hóa thường có nguy cơ bị hẹp môn vị dạ dày. Do đó, cần phải chú ý đến chế độ ăn – ngủ – nghỉ của bản thân:
Hạn chế ăn các loại thực phẩm có hại cho dạ dày và đường tiêu hóa như các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay, nóng. Nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm dễ tiêu hóa như rau củ tươi, các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột, trứng, sữa.
Không nên sử dụng các loại đồ uống có cồn, các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… vì đây chính là những thủ phạm gây bệnh đau dạ dày.
+ Khi có các dấu hiệu bị bệnh về tiêu hóa kéo dài (trên 2 tuần) như chán ăn, sụt cân, buồn nôn, ợ chua, rối loạn đại tiểu tiện,… thì nên đến bệnh viện ngay, khả năng cao bạn đã mắc một căn bệnh về tiêu hóa nào đó, có thể là bệnh hẹp môn vị dạ dày.
+ Các loại thuốc tây khi sử dụng cần được sự cho phép của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc khi bị bệnh để tránh dị ứng, kháng thuốc.
+ Cần xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, nên ăn đúng giờ, đúng bữa, không ăn khuya. Nên ăn nhiều hoa quả để tăng dưỡng chất cho cơ thể.
+ Nên vận động, tập thể dục thường xuyên. Điều này khiến cho cơ thể được thoải mái, khỏe mạnh, tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật.
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh hẹp môn vị dạ dày. Hi vọng bài viết này đã giải đáp được những thắc mắc của các bạn về căn bệnh này cũng như là giúp các bạn biết cách để phòng ngừa căn bệnh hẹp môn vị.
Chúc các bạn sức khỏe!
Bài viết tham khảo
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!