Dạ dày của bạn đảm nhận một nhiệm vụ quan trọng là tiếp nhận, xử lý thức ăn và chuyển các chất dinh dưỡng xuống ruột non để hấp thụ. Nếu chế độ ăn uống của bạn không được hợp lý và khoa học, về lâu dài sẽ dẫn đến những ảnh hưởng xấu cho dạ dày nói riêng và hệ tiêu hóa nói chung. Thế nào là chế độ ăn uống đúng cách để bảo vệ dạ dày? Bạn cần lưu ý những vấn đề gì?
Những thói quen ăn uống giúp bảo vệ dạ dày của bạn
1.Đảm bảo cung cấp đủ nước
Nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể. Đây là thành phần thiết yếu và cực kỳ quan trọng cho phần lớn hoạt động chuyển hóa của cơ thể chúng ta. Nước cũng rất cần thiết cho quá trình tiêu hóa, giúp việc tiêu hóa dễ dàng, thuận lợi hơn cũng như hạn chế nguy cơ mắc bệnh táo bón. Chính vì vậy trong chế độ ăn hàng ngày bạn cần chú ý cân bằng lượng nước đưa vào cơ thể.
Trong các bữa ăn, nhất là bữa chính nên có món canh, các món soup nhẹ cũng như một số thức ăn lỏng. Ngoài ra, trong các bữa phụ, bạn cũng có thể cung cấp thêm cho cơ thể nước lọc, một số loại nước hoa quả,… cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa. Các chuyên gia khuyến cáo mỗi ngày bạn nên cung cấp cho cơ thể từ 2 – 2,5 lít nước để các cơ quan hoạt động hiệu quả nhất.
Các món canh và thức ăn lỏng trong bữa chính giúp dễ tiêu hóa
2.Đừng bỏ bữa ăn, đừng ăn qua loa
Rất nhiều người có thói quen ăn uống rất thất thường, thiếu khoa học. Một số người không đảm bảo 3 bữa mỗi ngày, số khác lại thường bỏ bữa sáng hoặc ăn qua loa, cũng có không ít người ăn uống không theo một giờ cụ thể. Đây là những thói quen xấu rất có hại mà bạn cần phải chú ý sửa ngay để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho dạ dày của mình.
Khi dạ dày quá no, quá đói, dạ dày đến giờ ăn nhưng chưa có thức ăn đều sẽ gây dư thừa một lượng acid và enzym. Nếu không có thức ăn để tiêu hóa, lớp niêm mạc dạ dày này sẽ bị các acid và enzym bào mòn dần, từ đó dẫn đến rất nhiều bệnh lý cho sức khỏe như viêm loét dạ dày – tá tràng, rối loạn tiêu hóa, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến thủng dạ dạ dày, ung thư dạ dày – tá tràng, xuất huyết dạ dày,…
Bữa ăn khoa học có ảnh hưởng rất quan trọng đến sức khỏe dạ ày. Ăn đói hay ăn no đều có nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày do đó bạn không nên chủ quan mà cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng một cách hợp lí.
Nên ăn đúng giờ
3.Đừng ăn khi món ăn quá nóng, quá lạnh
Thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh đều dẫn đến những ảnh hưởng lên niêm mạc dạ dày. Nếu thường xuyên lạm dụng các món ăn này bạn sẽ khiến dạ dày và hệ tiêu hóa mất cân bằng, dễ bị rối loạn. Tình trạng này tiếp diễn trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe dạ dày.
Tốt nhất bạn nên chọn các thức ăn có nhiệt độ vừa phải, hạn chế uống nước quá nóng hoặc quá lạnh, không lạm dụng thực phẩm nóng, lạnh như các loại kem, các món nướng, lẩu,… Các thức uống nên dùng ở nhiệt độ mát hoặc ấm là tốt nhất.
Hạn chế các món ăn quá nóng, quá lạnh
4.Tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ
Trước khi xuống dạ dày, thức ăn sẽ được làm mềm và hòa trộn enzyme khi qua miệng. Quá trình này có vai trò rất quan trọng, giúp cho dạ dày của bạn giảm được đáng kể áp lực tiêu hóa. Chính vì vậy, thói quen ăn chậm, nhai kỹ là một trong những cách để giúp bảo vệ dạ dày của bạn.
Trong quá trình nhai kỹ, lượng nước bọt cùng các enzym sẽ tiết ra nhiều hơn. Điều này cũng tạo thuận lợi đáng kể cho dạ dày của bạn khi tiêu hóa các thức ăn đã thấm đều enzyme.
Nên ăn chậm, nhai kỹ
5.Hạn chế một số thực phẩm không tốt cho dạ dày của bạn
Trong cuộc sống, có những món ăn mà chúng ta rất khoái khẩu, tuy nhiên cũng có không ít thực phẩm mà bạn cảm thấy ngán và không muốn ăn. Dạ dày của chúng ta cũng vậy. Có những nhóm thực phẩm rất dễ tiêu hóa, tốt cho sức khỏe dạ dày như: các loại rau xanh, thức ăn lỏng, các thực phẩm có men tiêu hóa và lợi khuẩn, các thực phẩm mềm,… Đây được xem là những thực phẩm tốt cho dạ dày của bạn.
Bên cạnh đó cũng có không ít thực phẩm gây khó chịu cho dạ dày. Khi dùng những loại thực phẩm này, dạ dày sẽ mất nhiều thời gian tiêu hóa, tiết nhiều enzym và acid dạ dày hơn, vô tình gây ra ảnh hưởng về lâu dài cho sức khỏe dạ dày. Bạn nên sử dụng hạn chế, có chừng mực đối với một số nhóm thực phẩm như:
– Các món ăn ngâm muối. Đây là những món ăn khá khó chịu đối với sức khỏe dạ dày, đòi hỏi dạ dày bạn phải mất nhiều thời gian để xử lý hơn. Một số đại diện tiêu biểu trong nhóm thực phẩm này là các loại dưa muối, cà muối, các loại mắm, cá khô ướp muối,…
Ngoài ra, trong một số thực phẩm ngâm muối còn có thể chứa nitric, khi sử dụng nhiều có thể gây ra ung thư dạ dày. Bạn có thể tham khảo chi tiết: Thực hư chuyện ăn dưa cà muối bị ung thư dạ dày
– Thực phẩm sống cũng là một trong những món ăn bạn không nên lạm dụng. Nhất là các loại thịt, cá. Không chỉ chứa nguy cơ mắc các loại ký sinh trùng, các thực phẩm sống dù ít dù nhiều sẽ mang theo một lượng vi khuẩn đến thực quản, dạ dày. Để xử lý những thực phẩm chưa qua chế biến, chắc chắn dạ dày của bạn phải huy động một lượng lớn acid dạ dày cùng dịch vị cũng như mất khá nhiều thời gian cho việc tiêu hóa.
– Những món ăn chiên, xào, các thực phẩm nhiều dầu mỡ cũng không nên dùng nhiều vì các thực phẩm này cũng gây tăng tiết acid dạ dày đáng kể. Nếu dùng, bạn nên dùng kèm các món ăn tham đạm, dễ tiêu hóa như rau củ quả.
– Những thực phẩm cứng cũng rất khó tiêu. Với nhóm thực phẩm này bạn cũng nên dùng lượng vừa đủ. Sử dụng nhiều thực phẩm cứng không chỉ gây khó tiêu hóa mà còn dẫn đến tình trạng táo bón.
Có nhiều cách để bạn bảo vệ dạ dày thông qua chế độ dinh dưỡng. Những biện pháp này tuy không khó nhưng cũng đòi hỏi sự kiên trì áp dụng. Tuy rất khó để từ bỏ một số thói quen xấu trong chế độ dinh dưỡng, ăn uống hằng ngày, nhưng một khi đã thay đổi được, bạn có thể cảm nhận sức khỏe dạ dày của mình được cải thiện đáng kể đấy. Hi vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích dành cho bạn. Chúc bạn áp dụng thành công với những lời khuyên trên đây.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!