Nếu một ngày bạn cảm thấy phần lồng ngực của mình có dấu hiệu u và nhô ra khác thường với các dấu hiệu khó chịu, hãy cẩn thận. Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể của bạn đang gặp phải vấn đề. Một trong những bệnh lý có thể gây ra các dấu hiệu u nhô lên tại lồng ngực chính là bệnh thoát vị cơ hoành dạ dày.
Thoát vị cơ hoành dạ dày là bệnh gì?
Thoát vị cơ hoành dạ dày còn gọi là thoát vị hoành. Bệnh thoát vị cơ hoành dạ dày là tình trạng phần trên của dạ dày nhô lên thông qua những vị trí yếu trên cơ hoành ở khoang ngực và bụng. Ở người bình thường, cơ hoành là một cấu trúc tương đối hoàn chỉnh, ngăn cách giữa khoang ngực và khoang bụng. Tuy nhiên ở một số bệnh nhân, cấu trúc cơ hoành có một số vị trí yếu, nơi mà dạ dày có thể bị trồi lên. Tỷ lệ thoát vị cơ hoành dạ dày thường rất thấp. Bên cạnh đó, thoát vị cơ hoành có thể nhẹ hoặc nặng.
Thoát vị cơ hoành nhẹ phần lớn không có triệu chứng, không gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Chức năng của dạ dày và các cơ quan vẫn bình thường, không có nhiều ảnh hưởng đáng kể.
Thoát vị cơ hoành nếu nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiều khó chịu, gây đau cho bệnh nhân và có thể dẫn đến nhiều vấn đề về tiêu hóa khác, nhất là các biến chứng thực quản, dạ dày, họng,…
Thoát vị hoành thường gặp ở những ai?
Độ tuổi có thể mắc thoát vị hoành tương đối rộng. Bệnh có thể gặp phải ở cả người lớn, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Mỗi độ tuổi lại có một số vấn đề riêng biệt mà bạn cần phải lưu ý. Tuy nhiên, thoát vị hoành ở người lớn là một dạng thoát vị tương đối đặc biệt và tương đối phức tạp.
Thoát vị cơ hoành dạ dày ở người lớn có những đặc điểm gì?
Thoát vị hoành ở người lớn thường có 2 dạng chính. Đó là thoát vị trượt và thoát vị cạnh bên. Mỗi dạng thoát vị lại có những đặc điểm riêng biệt:
– Thoát vị trượt: tình trạng thoát vị trượt thường xảy ra khi một phần thực quản và đoạn phía trên của dạ dày bị xoắn lại và kéo vào trong khoang ngực ở phía trên. Đây là loại thoát vị hoành khá phổ biến.
– Thoát vị cạnh bên: thường xảy ra với tỉ lệ hiếm hơn rất nhiều so với thoát vị trượt. Tình trạng thoát vị cạnh bên cũng nguy hiểm hơn thoát vị trượt rất nhiều. Nếu không được điều trị một cách hợp lý, thoát vị cạnh bên có thể gây phá hủy dạ dày hoàn toàn và gây ra nhiều vấn đề rất nguy hiểm cho dạ dày của bạn. Ở thoát vị cạnh bên, một phần trên của dạ dày sẽ nhô vào trong khoang ngực qua khiếm khuyết trong việc mở cơ hoành và tạo thành một búi tròn tại lồng ngực bệnh nhân.
Triệu chứng thoát vị cơ hoành dạ dày ở người lớn
Phần lớn thoát vị cơ hoành dạ dày dạng nhẹ không gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên ở một số trường hợp nặng hơn, bệnh có thể gây ra một số triệu chứng như:
– Cảm giác đau không rõ nguyên nhân xuất hiện ở vùng thượng vị.
– Bệnh nhân có cảm giác ợ hơi, ợ nóng và gây nhiều khó chịu.
– Khi ăn uống, bệnh nhân cũng cảm nhận các dấu hiệu khó nuốt.
– Người bệnh cũng có cảm giác khàn giọng và đau họng.
– Tình trạng ho kéo dài cũng có thể xuất hiện ở bệnh nhân.
Do thoát vị dạ dày có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe hệ tiêu hóa. Chính vì vậy, khi phát hiện các dấu hiệu thoát vị hoành, bạn cần chú ý chẩn đoán và điều trị sớm để có các biện pháp điều trị, can thiệp phù hợp nhất.
Chẩn đoán thoát vị cơ hoành dạ dày
Sau khi phát hiện các dấu hiệu thoát vị cơ hoành dạ dày, chẩn đoán nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Đối với bệnh thoát vị cơ hoành dạ dày, bác sĩ thường áp dụng một số cách để chẩn đoán như:
– Chụp X – quang dạ dày là một trong những cách để xác định những tổn thương thực thể trong dạ dày. Đặc biệt là các viêm loét, ung thư, các rối loạn chức năng dạ dày cũng như một số vấn đề như thoát vị cơ hoành dạ dày. Trước khi chụp X quang, bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện một số thăm khám lâm sàng đi kèm trong chẩn đoán.
– Nội soi dạ dày cũng là một trong những phương pháp thường được áp dụng trong chẩn đoán các vấn đề về dạ dày với độ chính xác khá cao. Ưu điểm đáng chú ý của nội soi dạ dày là hình ảnh quan sát được rõ nét, trong quá trình thực hiện có thể tiến hành sinh thiết để lấy mẫu và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Điều trị thoát vị cơ hoành dạ dày
Tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà điều trị thoát vị cơ hoành dạ dày có thể được thực hiện bằng cả biện pháp nội khoa và ngoại khoa để cải thiện tình trạng thoát vị cơ hoành dạ dày.
Điều trị bằng nội khoa:
– Điều trị bằng các nhóm thuốc kháng acid như: Calcium carbonate, Aluminum hydroxide, magnesium hydroxide, và simethicone (Tên biệt dược: Maalox).
– Nhóm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày như Sucralfate (tên biệt dược: Carafate).
– Nhóm thuốc kháng Histamines như: Cimetidine (tên biệt dược: Tagamet), Famotidine (tên biệt dược: Pepcid), Ranitidine (tên biệt dược: Zantac),…
– Nhóm thuốc ức chế bơm proton như: Esomeprazole (tên biệt dược: Nexium), Dexlansoprazole (tên biệt dược: Dexilant), Lansoprazole (tên biệt dược: Prevacid), Omeprazole (tên biệt dược: Prilosec), Rabeprazole (tên biệt dược: AcipHex),…
Điều trị ngoại khoa:
Trong một số trường hợp cần có sự can thiệp ngoại khoa để đưa toàn bộ tạng thoát vị của bệnh nhân về lại ổ bụng như vị trí ban đầu. Tùy theo kích thước thoát vị mà bác sĩ có thể thực hiện một số can thiệp như:
– Khâu đóng lại: nếu kích thước lỗ thoát vị nhỏ có thể được can thiệp bằng cách khâu đóng lại với chỉ không tiêu.
– Đóng đường mổ bụng cũng được thực hiện đối với những trường hợp lỗ thoát vị lớn, thoát vị hoành bẩm sinh hoặc thoát vị cuống rốn bẩm sinh.
– Một số trường hợp có thể được chỉ định thực hiện tạo hình bụng, áp dụng các kỹ thuật mảnh ghép nhân tạo và đóng bụng muộn vào ngày thứ 7 – 10 sau mổ.
Can thiệp, chẩn đoán và điều trị thoát vị cơ hoành dạ dày là một trong những vấn đề rất quan trọng và cần thực hiện sớm. Hi vọng với một số thông tin hữu ích về vấn đề này, bạn sẽ chủ động hơn trong dự phòng cũng như điều trị bệnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!