Thủng dạ dày ở trẻ sơ sinh là một trong những biến chứng tiêu hóa hiếm gặp nhưng lại có tỉ lệ tử vong cao. Do đó các bậc phụ huynh cần được trang bị những kiến thức để phát hiện và cấp cứu kịp thời cho bé, tránh những biến chứng nguy hiểm. Sau đây, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cơ bản và cách điều trị chứng bệnh này cho trẻ.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh thủng dạ dày ở trẻ sơ sinh?
Thủng dạ dày ở trẻ sơ sinh được mô tả lần đầu tiên vào năm 1825 bởi nhà khoa học Siebold. Theo đó, chứng bệnh này được gây ra bởi 3 nguyên nhân chủ yếu, đó là:
+ Bị khuyết (thiếu) lớp cơ thành dạ dày bẩm sinh: Ở số trường hợp trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non trong quá trình hình thành lớp cơ dạ dày đã xuất hiện một vài lỗ hổng, những lỗ hổng này thường nằm ở phần đáy vị gần bờ cong lớn của dạ dày. Chính vì thế, khi được sinh ra sẽ dẫn đến tình trạng thủng dạ dày.
+ Chấn thương gây thủng dạ dày: Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây thủng dạ dày ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân này xuất phát từ việc có những sơ suất trong việc điều trị cho trẻ. Nội soi dạ dày hoặc đặt ống thông dạ dày cho trẻ nếu không được thực hiện cẩn thẩn thì cũng có nguy cơ gây thủng dạ dày.
+ Thủng dạ dày do thiếu máu cục bộ: Với những trẻ bị sinh non nhiều tháng, sinh non bị ngạt, trẻ bị nhiễm trùng huyết… có thể bị thiếu máu cục bộ. Tình trạng này dẫn đến dạ dày xuất hiện các tổn thương hoặc bị hoại tử. Từ những tổn thương này sẽ làm cho dạ dày của bé bị yếu đi, gây nguy cơ thủng dạ dày cho bé.
Dấu hiệu nhận biết thủng dạ dày ở trẻ sơ sinh
Tình trạng thủng dạ dày ở trẻ sơ sinh thường diễn ra từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 sau sinh. Lúc này, trẻ thường xảy ra những dấu hiệu bất thường như sau:
+ Một trong những biểu hiện dễ thấy nhất đó chính là trẻ bú kém, bỏ bú, chướng bụng, không đi đại tiện phân su.
+ Trẻ có biểu hiện trướng bụng dần, khi thông dạ dày thường thấy xuất hiện dịch vàng hoặc màu xanh rêu.
+ Có biểu hiện mất nước, kèm theo đó là không nghe được âm ruột.
+ Bệnh tiến triển rất nhanh chóng, ban đầu bé sẽ có dấu hiệu sốt, sau đó sẽ có các hiện tượng là thở nhanh và nông, toàn thân tím tái, suy hô hấp.
+ Làm xét nghiệm máu sẽ thấy lượng bạch cầu trong tăng cao trong khi lượng tiểu cầu lại giảm.
+ Tiến hành chụp X – Quang vùng bụng sẽ nhận thấy trong ổ bụng có những luồng hơi và dịch tự do. Siêu âm vùng bụng sẽ cho ra kết quả này.
Những triệu chứng của bệnh xuất hiện và có quá trình diễn tiến rất nhanh, nếu như không được chẩn đoán bệnh sớm, chúng có thể gây ra những biến chứng như nhiễm trùng đường huyết và viêm phúc mạc toàn bộ. Những biến chứng này là một trong những trường hợp cấp cứu ngoại khoa cần được phẫu thuật tức thì để bảo toàn mạng sống cho người bệnh.
Phương pháp điều trị trẻ sơ sinh thủng dạ dày
Như đã nói, đây là một chứng bệnh nguy hiểm, trẻ sơ sinh bị thủng dạ dày cần phải được cấp cứu nhanh chóng dựa trên việc áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp. Cụ thể như sau:
Trước tiên các bác sĩ sẽ thực hiện hồi sức cấp cứu, truyền dịch mặc đẳng trương cho bệnh nhân, truyền dịch cân bằng điện giải, hỗ trợ hô hấp cho người bệnh bằng cách sử dụng mặt nạ dưỡng khí hoặc cho thở qua nội khí quản. Sau đó kết hợp các biện pháp điều trị trong và sau khi phẫu thuật, sử dụng thuốc kháng sinh phổ rộng trước và sau khi phẫu thuật. Các loại thuốc liều cap thường được chỉ định bao gồm: Rocephin,Ceftriaxon kết hợp với Tobramycin, Amikacin.
Tiếp theo, các bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật vùng bụng và tiến hành sửa chữa lỗ thủng của dạ dày. Biện pháp thường được sử dụng là rạch mổ ổ bụng, khâu đóng 2 lớp của dạ dày. Thực hiện xong bước này, ổ bụng của trẻ sẽ được rửa và đặt dẫn lưu. Kết thúc ca phẫu thuật.
Sau khi phẫu thuật, khâu chăm sóc người bệnh đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi tình trạng sức khỏe, đặc biệt lại là trẻ sơ sinh. Bệnh nhân cần được chú ý theo dõi, chăm sóc toàn diện. Trẻ được nuôi ăn bằng tĩnh mạch, thường xuyên xoay trở cho trẻ để trẻ không bị bội nhiễm phổi. Ngoài ra ,trẻ cũng cần phải được ủ ấm thường xuyên.
Một vài điều cần lưu ý
Mặc dù đây là chứng bệnh hiếm gặp nhưng nó lại gây ra tỷ lệ tử vong rất cao, chính vì vậy mà trong khi mang bầu và lúc sinh đẻ, các bậc phụ huynh cần phải đặc biệt chú ý thực hiện các biện pháp phòng tránh nguy cơ gây bệnh cho thai nhi trong giai đoạn mang thai hoặc chú ý phát hiện những triệu chứng bất thường của bé mới sinh để có những biện pháp xử lý kịp thời. Cụ thể như sau:
+ Với người đang trong giai đoạn mang thai cần phải đi khám thai định kỳ theo sự hướng dẫn của bác sĩ, ăn uống và nghỉ ngơi điều độ. Luôn phải giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng mệt mỏi kéo dài. Ngoài ra, bạn nhớ là nên tránh uống các loại thuốc Tây, các chất kích thích trong khi mang bầu để đảm bảo bé được phát triển bình thường.
+ Những bà mẹ vừa mới sinh con xong cần phải chú ý đến tình trạng sức khỏe của con, nếu thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào, ví dụ bú kém, bỏ bú… thì nên báo ngay với các bác sĩ ngay. Trong trường hợp trẻ bị sinh non phải để trẻ ở lại bệnh viện từ 3 – 4 ngày để tiện cho việc theo dõi. Khi sinh xong, bạn nên cho trẻ bú sớm,. từ 1 – 2 giờ sau sinh là tốt nhất, vì trong sữa mẹ có đầy đủ chất dinh dưỡng và có nhiều chất đề kháng, cho trẻ bú mẹ càng sớm càng có lợi cho hệ miễn dịch của bé.
Trên đây là một số những thông tin cơ bản về chứng thủng dạ dày mà chúng tôi cung cấp cho các bạn. Hi vọng bài viết đã giải đáp được ổn thỏa những vấn đề mà các bạn vẫn đang thắc mắc. Cảm ơn các bạn đã chú ý theo dõi bài viết.
Có thể bạn muốn xem
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!